Nội dung bài viết
Chăm sóc cây sầu riêng trong giai đoạn ra hoa, đậu quả tạo điều kiện mang đến một vụ mùa bội thu. Bài viết dưới đây gửi đến các bạn kỹ thuật làm bông sầu riêng quan trọng không phải ai cũng biết.
Công tác chuẩn bị làm hoa
Để làm bông sầu riêng một cách tốt nhất cần một quá trình dài từ ngay sau thời điểm thu hoạch chứ không thể làm một nhanh chóng, một sớm một chiều mà mong có kết quả tốt. Vì thế chúng ta cần thực hiện tốt ngay từ quá trình chuẩn bị làm bông. Dưới đây, chúng tôi chia sẻ một số lưu ý ngay từ thời điểm bắt đầu này.
Thời điểm thực hiện công tác chuẩn bị làm hoa
Mùa ra hoa tự nhiên của sầu riêng phụ thuộc vào từng giống cây và điều kiện khí hậu của từng địa phương trồng sầu. Thông thường, sầu riêng ra hoa sớm nhất ở khu vực Đồng Bằng sông Cửu Long, muộn hơn là khu vực Tây Nguyên. Vì thế thời điểm thực hiện công tác chuẩn bị làm hoa cũng thay đổi phù hợp với từng vùng.

Tây Nguyên là nơi trồng nhiều sầu riêng nhất ở nước ta. Tại đây, thời điểm bắt đầu làm hoa sầu riêng vào khoảng từ tháng 1 đến tháng 2 dương lịch. Thời điểm này rơi vào tháng 12 âm lịch, đang là mùa khô, rất thuận lợi cho quá trình làm hoa sầu riêng.
Công tác cắt tỉa cành
Để chuẩn bị cho cây ra hoa, phát triển tốt cần thực hiện công tác cắt tỉa bớt những cành yếu, sâu bệnh và những cành khô, cành tăm. Lưu ý không nên cắt tỉa quá nhiều, đặc biệt đối với những cây suy nặng thì không nên cắt tỉa tay lông. Bởi lá trong tay lông góp phần giúp cây quang hợp, chuyển đổi chất nuôi cây.

Thực hiện phun thuốc rửa vườn
Sau khi cắt tỉa cành tăm, cành yếu cần phun thuốc rửa vườn nhằm mục đích diệt rong rêu và trừ nấm bệnh. Một số loại thuốc có thể dùng đó là Coc 85, Norshield và champion. Lưu ý phun kỹ thân và cành lá. Các bạn cũng có thể dùng vôi để sát trùng, phòng nấm và tăng pH cho cây.
Bón phân hữu cơ sau thu hoạch
Sau khi thu hoạch, cây đã trải qua quá trình nuôi quả trong thời gian dài, cần phải bón phân để tăng chất dinh dưỡng, giúp cây khỏe, phát triển tốt cho lứa sau. Phân dùng để bón cho cây có thể là phân chuồng, phân hữu cơ đã ủ mục như: Phân bò, phân dê, phân gà… Mỗi gốc bón phân hữu cơ vào khoảng từ 20 – 30 kg.
Một số lưu ý khác trước khi áp dụng kỹ thuật làm bông sầu riêng
Ngoài việc cắt tỉa, rửa vườn và bón phân, chúng ta cần lưu ý một số nội dung sau:
- Phun thêm một số loại thuốc trừ nấm, rệp, rầy xanh, rầy bông nếu vườn có hiện tượng nhiều sâu bệnh hại.
- Cây phải có ít nhất 2 cơi lá trở lên, lá dày, bóng và khỏe.
- Cần duy trì độ pH trong đất phù hợp với cây sầu riêng, ổn định ở độ pH >6.
Quy trình kỹ thuật làm bông sầu riêng
Đối với cách làm bông sầu riêng mùa thuận sẽ dễ dàng hơn mùa nghịch. Về mùa nghịch, điều kiện khí hậu không thuận lợi, cần áp dụng nhiều biện pháp cầu kỳ và theo dõi ngày chuẩn hơn. Trong bài viết này, chúng ta cùng nghiên cứu quy trình kỹ thuật làm bông sầu riêng mùa thuận để các bạn dễ dàng chăm sóc cây.
Cắt nước để tạo khô hạn
Bước đầu tiên trong kỹ thuật này, đó là cần cắt nước để tạo điều kiện cho cây ra hoa. Cây sầu riêng muốn ra nhiều mầm hoa yêu cầu phải có thời gian khô hạn. Mặc dù thời tiết vào cuối năm là mùa khô, vẫn cần cắt nước. Thời điểm cắt nước hợp lý là khi cây đã có đủ 3 cơi đọt.
Trong quá trình cắt nước, lưu ý không phun, tưới cho cây. Thời gian này nếu thời tiết có mưa, cần đào rãnh thoát nước. Sau khi cắt nước 25 – 28 ngày, lá đầu đọt có màu xanh đậm, thực hiện phun phân bón lá có hàm lượng lân cao. Điều này giúp cho mầm hoa ra đều, ra đồng loạt. Áp dụng phun lần 2 nếu cây chưa thấy ra mầm hoa.
Tưới nước nuôi hoa
Khi mầm hoa đã ra đều, nhìn rõ chồi hoa, tiến hành tưới nước trở lại. Cần căn chỉnh thời gian tưới nước cho phù hợp, không nên tưới quá sớm. Nếu mầm hoa mới nhú, dưới 2cm, áp dụng tưới nước sẽ kích thích lá trong các chùm hoa phát triển, cây không tập trung nuôi hoa, làm giảm năng suất.
Việc tưới nước nuôi hoa cần lưu ý đến lượng nước cũng như khoảng cách thời gian giữa các lần tưới. Đây là điều đặc biệt lưu ý trong quy trình làm bông sầu riêng bạn cần nắm chắc. Nếu nước quá nhiều dễ gây hiện tượng sốc nước dẫn đến rụng hoa. Thời gian giữa các đợt tưới vào khoảng 3 đến 5 ngày một đợt.
Bổ sung dinh dưỡng
Trong thời gian 5 ngày sau lần tưới nước thứ nhất, cần bổ sung dinh dưỡng bằng cách bón phân chuồng, phân hữu cơ nở hoặc NPK. Sau khi bón phân, thực hiện tưới nước cho tan phân. Có thể che phủ bằng cỏ hoặc vật liệu hữu cơ để giữ ẩm cho phân tan dần. Nên áp dụng phun chế phẩm trừ sâu kết hợp nếu cần.
Tỉa hoa
Khi hoa đã ra đều, cần tiến hành tỉa hoa. Việc tỉa hoa tại những vị trí không cần thiết giúp cây tập trung nuôi những chùm hoa có chất lượng. Việc tỉa hoa cần thực hiện 2 công đoạn đó là:
- Tỉa chùm hoa sầu riêng
- Tỉa bớt hoa sầu riêng ở trong một chùm

Với mỗi việc tỉa sẽ có những lưu ý khác nhau để thực hiện, nhằm mang lại năng suất cao cho cả mùa vụ. Việc tỉa từng chùm hoa làm bớt độ dày, tránh hoa nhỏ, đậu phấn kém. Tỉa bớt hoa trong một chùm giúp giữ lại những nụ hoa đều, cùng đợt, hoa khỏe, không nhiễm bệnh.
Kết luận
Việc áp dụng kỹ thuật làm bông sầu riêng rất đơn giản nhưng cần thực hành nhiều cũng như tùy thuộc vào thực tế của từng vườn, từng cây để áp dụng cho phù hợp. Qua bài viết này, chúng tôi hi vọng các bạn sẽ nắm chắc kỹ thuật để đạt được một mùa vụ sầu riêng bội thu.